Những điều cần biết về ngành Tài chính – Ngân hàng?

 23/06/2021  1181

Những điều cần biết về ngành Tài chính – Ngân hàng?

            Trong mùa tuyển sinh đại học những năm qua, ngành Tài chính – Ngân hàng (TCNH) là một trong những ngành học được đông đảo thí sinh quan tâm tìm hiểu và lựa chọn. Vậy ngành tài chính - ngân hàng là gì? Học tài chính -  ngân hàng là học cái gì? Cơ hội việc làm khi học ngành này ra sao? Những thông tin dưới đây sẽ cung cấp cho quý vị để hiểu rõ hơn về ngành nghề này nhé.

 1. Ngành Tài chính – ngân hàng là gì và vai trò của ngành TCNH đối với nền kinh tế thị trường?

            Tài chính ngân hàng là ngành học khá rộng trong lĩnh vực kinh tế. Hiểu một cách đơn giản thì TCNH là ngành học liên quan đến tất cả các hoạt động, dịch vụ giao dịch trong lĩnh vực tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Ngành Tài chính ngân hàng có thể chia thành nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm, đầu tư tài chính... Cụ thể hơn, Tài chính ngân hàng là ngành kinh doanh riêng biệt về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế.

            Ngành Tài chính Ngân hàng được coi là huyết mạch trong sự phát triển của một nền kinh tế. Dù trong bất cứ bối cảnh nào của nền kinh tế, kể cả tăng trưởng hay trầm lặng thì tài chính - ngân hàng vẫn là ngành nghề có tác động to lớn đến nền kinh tế. Xét ở tầm vi mô, các hoạt động của TCNH bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế của xã hội vì việc luân chuyển tiền tệ  được coi là huyết mạch để nuôi sống và phát triển của nền kinh tế. Xét về mặt vĩ mô, ngành tài chính - ngân hàng đóng vai trò định hướng chiến lược và điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho Chính phủ.  

            Trong Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam ngày 6/5/2021 vừa qua, Tổng bí thư nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ngành TCNH: Là kênh cung cấp vốn trọng yếu, là huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

2. Ngành TCNH gồm những chuyên ngành gì?

            Một số chuyên ngành tiêu biểu của ngành Tài chính – Ngân hàng các bạn nên biết:

            • Ngân hàng (Tài chính ngân hàng): Chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về tài chính, ngân hàng, tiền tệ, quản trị tín dụng, quản trị vốn và tài sản, các kiến thức về phát hành tiền, thẩm định hạn tín dụng. Các kiến thức về quản lý tài chính – tiền tệ hiện đại, quản trị tài chính trong doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính phi ngân hàng, các công cụ quản lý rủi ro tài chính, kiến thức về các quy trình hoạt động tài chính, thống kê, kế toán, thuế, bảo hiểm trong ngân hàng và doanh nghiệp…

            • Quản lý Tài chính công: Cung cấp các kiến thức quản lý tài chính công của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế để sinh viên có thể áp dụng khi thực hiện quản lý tài chính tại tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Cùng với đó, là các kiến thức về thiết kế, đánh giá và tư vấn về các chính sách công; nắm bắt và ứng dụng tốt các nguyên tắc quản trị khu vực công; các kỹ năng phân tích trong quản trị tài chính.

            • Tài chính doanh nghiệp: Đào tạo cử nhân kiến thức cơ bản về Tài chính doanh nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp. Có khả năng thẩm định tài chính các dự án đầu tư, phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; có kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ huy động, quản lý và sử dụng vốn; nắm được các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán, các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, định giá, chứng khoán; am hiểu các quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, các quy định của luật thuế; nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật kinh doanh – thương mại, chính sách thuế…

            • Thuế: Theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ có các kiến thức chuyên sâu về thuế như: am hiểu lý thuyết thuế, các chính sách thuế, các luật thuế; nắm chắc quy trình quản lý thuế của cơ quan thuế, quy định về lập hồ sơ kê khai thuế; kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán thuế; nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật, các cam kết quốc tế về thuế.

            • Tài chính quốc tế: Chuyên ngành này đào tạo chuyên sâu về Tài chính quốc tế, các nghiệp vụ liên quan đến tài chính quốc tế như: kinh doanh quốc tế (kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm…), thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, tỷ giá hối đoái; am hiểu các quy trình, nghiệp vụ về tài chính quốc tế, các quy trình quản trị dự án đầu tư quốc tế, quản lý dự án ODA, quản lý nợ, kế toán quốc tế, quản trị tài chính công ty đa quốc gia.

            • Đầu tư tài chính: Đào tạo các kiến thức chuyên sâu về đầu tư tài chính, các kỹ năng phân tích và dự báo thị trường, kỹ năng đầu tư tài chính; nắm chắc các kiến thức liên quan đến thị trường Tài chính, đến rủi ro và cách thức quản lý rủi ro các công cụ đầu tư trên thị trường Tài chính; các hoạt động quản lý của cơ quan quản lý thị trường tài chính; hoạt động quản lý Nhà nước về thị trường tài chính và Đầu tư tài chính; nắm chắc các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán trong đầu tư tài chính; am hiểu các quy định của Nhà nước về thị trường tài chính và đầu tư tài chính. Nắm vững kiến thức bổ trợ về pháp luật có liên quan đến quản lý thị trường tài chính và đầu tư tài chính.

3. Học ngành TCNH thì làm việc ở đâu và đảm nhiệm những vị trí việc làm nào?

            Sinh viên tốt nghiệp ngành TCNH tại có thể đảm nhận được những vị trí việc làm như:

            - Chuyên viên tài chính, chuyên viên tín dụng, chuyên viên phân tích tài chính tại các NHTM, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư tài chính và các định chế tài chính khác…;

            - Cán bộ, chuyên viên tài chính ngân hàng tại các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TCNH (như NHNN Việt Nam, UBCK Nhà nước, Bộ Tài chính...) và các đơn vị hành chính sự nghiệp (Cục thuế, hải quan, bảo hiểm...);

            - Chuyên viên, cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy về TCNH tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu hoặc các tổ chức khác.

       Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành TCNH có thể tự mình khởi nghiệp với vai trò chủ doanh nghiệp.

4. Tố chất cần thiết phù hợp với ngành tài chính – ngân hàng?

            Vì đây là ngành nghề về cung ứng dịch vụ nên người học cần phải có:

            - Có đam mê: Ngành nào cũng vậy, để có thể phát triển bản thân, để có thể thăng tiến cao trong công việc, để có thu nhập cao thì bạn cần phải làm việc hiệu quả. Công việc để hiệu quả phải có kiến thức sâu, những hiểu biết tới nơi tới chốn. Để có điều này chỉ có thể là niềm đam mê với ngành. Các thầy cô Khoa NHTC sẽ giúp bạn có được những hiểu biết ban đầu, giúp bạn tư duy tốt trong ngành tài chính ngân hàng, nhưng để phát triển điều đó thì bạn - người học cần niềm đam mê.

            - Luôn trung thực, cẩn trọng và chính xác: Tài chính – Ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm nên bạn phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ vì sai một ly đi một dặm. Chỉ cẩn một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả khó lường.

            - Tài Chính - Ngân Hàng rất là nhạy bén với sự biến động của tài chính quốc tế, cho nên ngoại ngữ và tin học là điều cần sinh viên cần phải có để hòa nhập và làm việc trong môi trường quốc tế.

            - Sự cầu tiến, biết lắng nghe và luôn dựa trên quan điểm có lợi giữa doanh nghiệp sau này mình sẽ cung ứng dịch vụ và khách hàng.

            - Sự nhạy bén, tính năng động và chấp nhận cái mới vì xã hội luôn thay đổi: Ngành tài chính – ngân hàng hoạt động trong một môi trường thường xuyên biến động và biến động cao nên người học đòi hỏi phải có sự nhạy bén, tính năng động để thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của thị trường.

            - Có năng lực giao tiếp tốt, có tư duy dám nghĩa dám làm: Học ngành Tài Chính - Ngân Hàng là thực hiện các hoạt động liên quan đến tiền. Tiền cung cấp cho doanh nghiệp để phát triển, cung cấp cho các tổ chức để mở rộng kinh doanh. Các bạn sẽ phải làm việc với nhiều con người, với các thể loại hợp đồng chứng từ khác nhau. Nếu quá nhút nhát thì không phù hợp.

5. Nhu cầu nhân lực của ngành TCNH hiện nay như thế nào?

            Trong bất kỳ một ngành nghề nào cũng đều xuất hiện sự lưu thông của tiền tệ, chính vì vậy mà ngành Tài chính Ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế, có vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát thị trường. Tài chính Ngân hàng cũng là ngành chịu nhiều ảnh hưởng của vòng xoáy cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu người lao động cần có nhiều thay đổi để thích nghi với xu hướng. Vì vậy nguồn nhân lực cho ngành Tài chính Ngân hàng đến thời điểm hiện tại “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.        

            Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 49 ngân hàng, 16 công ty tài chính, trên 10 công ty bảo hiểm lớn và 105 công ty chứng khoán. Ngay từ những tháng đầu năm 2021 nhiều ngân hàng đã thông báo tuyển dụng hàng trăm nhân sự như VietinBank tìm kiếm bổ sung 609 chỉ tiêu tại 83 chi nhánh, TPBank tuyển hơn 300 vị trí tại trụ sở và các chi nhánh trên toàn quốc; VIB cũng tuyển gần 300 nhân sự…Khi tìm kiếm các công việc về tài chính ngân hàng trên các web tuyển dụng lớn hiện nay như Top CV, Vietnamwork, Career Building… cũng nhận được kết quả là hơn 20.000 liên quan. Điều này cho thấy, ngành Tài chính ngân hàng vẫn luôn là một trong những lĩnh vực có nhu cầu nhân sự cao, cơ hội cho các bạn sinh viên ra trường có việc làm là dễ dàng hơn so với nhiều ngành khác, nhất là lúc nền kinh tế đang vào thời kỳ phục hồi hoặc thịnh vượng.

            Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi kỹ thuật số, các ngân hàng và doanh nghiệp đã và đang chạy đua trong việc đưa các sản phẩm, dịch vụ lên nền tảng số, tích hợp với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Về mặt nội bộ, các ngân hàng và doanh nghiệp cũng đang từng bước sử dụng công nghệ để chuẩn hóa các quy trình điều hành quản lý, hạn chế các giao dịch giấy tờ. Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính (fintech). Chính vì vậy, ngành NHTC hiện đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi số.

            Việt Nam đang phát triển nên có nguồn cầu rất lớn về ngành TCNH. Tuy nhiên, Muốn làm được việc và có cơ hội thành công hơn khi ứng tuyển vào các tổ chức tài chính ngân hàng, bên cạnh nghiệp vụ, sinh viên không chỉ cần giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có năng lực về công nghệ thông tin, khả năng thích nghi và làm chủ được các tiến bộ công nghệ./.

Để biết thêm về các thông tin tuyển sinh của ngành Tài chính – Ngân hàng, xin vui lòng tìm hiểu thông tin tại:

- Livestream Tư vấn trực tuyến ngành Tài chính – Ngân hàng:  https://www.facebook.com/tuebatuyensinh/videos/471098137456597

- Webstite của Nhà trường:  www.tueba.edu.vn, mục THÔNG TIN TUYỂN SINH

- Webstite của Khoa Ngân hàng tài chính http://nh-tc.tueba.edu.vn/

- Fanpage của Khoa Ngân hàng – Tài chính, ĐHKT & QTKD 

- Liên hệ trực tiếp với số điện thoại trực tiếp để nghe tư vấn:

ThS. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh– Phó Bí thư Liên Chi đoàn khoa NHTC: 0945.956.899

PGS. TS. Hoàng Thị Thu – Trưởng khoa NHTC: 0989.910.591

TS. Vũ Thị Hậu - Phó Trưởng khoa NHTC: 0985.811.977.

 

Khoa Ngân hàng – Tài chính, TUEBA

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN